Đất được xem là tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Nếu biết quản lý, sử dụng đúng cách, đây chính là nguồn lực vô cùng lớn của bất cứ địa phương nào và cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự thịnh vượng của một quốc gia.
Kỳ 1: Đồng hành cùng nhà đầu tư
Để tạo lực đẩy cho nền kinh tế tăng trưởng, phát triển bền vững và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, việc tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư đã được tỉnh Đắk Lắk chú trọng triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư
Hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, huy động tốt nhất nguồn lực từ đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động, trong đó xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp và giao cho các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ hằng năm.
Một trong những giải pháp trọng yếu mà tỉnh đề ra là đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm tận dụng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là tài nguyên đất đai. Từ đó, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy công tác xúc tiến đầu tư, giải quyết những thủ tục đầu tư, thủ tục giao đất nhằm tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), hằng năm căn cứ vào tình hình thực tế, UBND tỉnh đều ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư và phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động này. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 – 2023, tỉnh đã đầu tư 10,9 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư.
Bên cạnh đó, trên sơ sở quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện và quy trình, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo pháp luật, giai đoạn 2015 – 2022, UBND tỉnh đã ban hành 307 quyết định cho tổ chức kinh tế được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thuê đất, chuyển mục đích sử đụng đất để thực hiện dự án đầu tư, với diện tích hơn 7.904 ha đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất cho 5 dự án, với diện tích gần 42 ha.
Không chỉ ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác thu hút đầu tư, danh mục dự án kêu gọi/thu hút đầu tư, UBND tỉnh còn ban hành 3 chỉ thị quan trọng trong lĩnh vực giao đất, thuê đất, quản lý dự án đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện những nhiệm vụ cụ thể để tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua.
Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện xử lý các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật hiện hành cũng như tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư. Việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc được quan tâm để các dự án triển khai đúng tiến độ và thường xuyên rà soát nhằm kịp thời xử lý đối với dự án chậm tiến độ do nhà đầu tư chây ỳ, không triển khai hoặc không còn khả năng triển khai dự án. Đặc biệt, để xử lý các dự án đầu tư chậm triển khai thực hiện, kéo dài nhiều năm, UBND tỉnh đã quyết định thành lập hai tổ công tác do hai đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.
Những vùng đất “bừng sáng”
Nhờ quyết liệt trong chỉ đạo và nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, tính từ ngày 1/7/2015 đến ngày 31/12/2022, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút được 307 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 72.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của UBND tỉnh, hầu hết dự án sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư đã tích cực triển khai. Nhiều dự án đầu tư đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Điển hình phải kể đến đó là Dự án cụm 5 nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Ea Súp, với tổng vốn đầu tư 15.402 tỷ đồng, tổng công suất 600 MW. Đây là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á, bao gồm 22,2 km đường dây 500 kV và trạm biến áp 500 kV/1200 MVA. Theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn Xuân Thiện, cụm nhà máy đi vào hoạt động, trung bình đóng thuế giá trị gia tăng cho ngân sách tỉnh 1 tỷ đồng/ngày, tuyển dụng hàng nghìn lao động địa phương. Hoạt động của các nhà máy không chỉ giữ người lao động ở lại làm việc tại địa phương mà còn góp phần ổn định an ninh vùng biên giới; trở thành điểm sáng của tỉnh Đắk Lắk cũng như ngành năng lượng cả nước.
Hay như Dự án nhà máy điện gió Ea Nam tại huyện Ea H’leo của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, với tổng vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng, công suất 400 MW, trạm biến áp 500 KV/450 MVA. Đây là dự án nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay. Sau khi hoàn thành, hằng năm nhà máy bổ sung khoảng 1.173 GWh vào nguồn điện quốc gia. Trong thời gian thực hiện dự án, nhà đầu tư nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 3.000 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh và nộp thuế giá trị gia tăng khoảng 250 tỷ đồng/năm. Dự án nhà máy điện gió Ea Nam đi vào hoạt động từ năm 2021, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, bảo đảm cung cấp điện cho tỉnh Đắk Lắk và khu vực kinh tế trọng điểm vùng Tây Nguyên cũng như an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Dự án còn góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 15/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045.
Không chỉ lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong những năm qua, thu hút đầu tư vào các dự án khu đô thị cũng là “làn gió mới” thổi vào tỉnh Đắk Lắk. Một trong những dự án mang đến nhiều kỳ vọng là Khu đô thị Km7 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) của Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Đắk Lắk, với tổng mức đầu tư hơn 1.989 tỷ đồng. Đây là khu đô thị đầu tiên được quy hoạch đồng bộ các tiện ích đẳng cấp như: sân tập golf, vườn thiền, đường hoa, công viên thể thao ngoài trời, bể bơi nước mặn bốn mùa… Đây còn là khu đô thị xanh với công viên lõi cảnh quan trong từng khu ở và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong việc đảm bảo an toàn, giám sát an ninh và quản lý tòa nhà.
Có thể nói, những dự án này đi vào hoạt động không những khiến diện mạo một số đô thị trên địa bàn tỉnh khang trang hơn mà ở nhiều vùng đất xa xôi, cằn cỗi cũng trở nên “bừng sáng”.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Vàng “ẩn” vào đất